Khi nào TP HCM kiểm soát được dịch Covid-19? - Tình hình không nghiêm trọng như Đà Nẵng

Những ngày qua, tình hình lây nhiễm có vẻ trở nên phức tạp hơn. Nguồn lây nhiễm SARS-CoV-2 tại TP.HCM là ngoài cộng đồng, chưa tấn công vào cơ sở y tế. Thời gian F0 tồn tại ngoài môi trường không quá lâu nên ngành y tế đã tìm được các F1, F2.

Hơn 4 ngày kể từ thời điểm phát hiện ca bệnh lây nhiễm từ khu cách ly, TP.HCM phát hiện thêm 3 ca dương tính thứ phát. Sau 89 ngày không có ca bệnh trong cộng đồng, tin tức này khiến người dân thành phố hoang mang.

"Dịch Covid-19 ở TP HCM không nghiêm trọng như Đà Nẵng"

Trao đổi với Zing, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết nhiều ngày gần đây, ông nhận được khá nhiều câu hỏi từ phụ huynh, bệnh nhân xung quanh đợt bùng phát dịch Covid-19 mới tại thành phố. Đây là xu hướng tâm lý chung, tuy nhiên, người dân thành phố lúc này cần có định hướng thông tin đúng đắn.

“Trong số những người liên lạc với tôi, có người tỏ ra hoảng hốt vì không biết mức độ nguy hiểm của dịch, người lo sợ việc tái giãn cách xã hội, người thì hoang mang vì không biết bản thân đang thuộc diện F nào. Tôi khẳng định dịch bùng phát lần này tại TP.HCM không nghiêm trọng như ở Đà Nẵng vì chúng ta đã tìm được F0”, bác sĩ Khanh nói.


TP.HCM quyết tâm ngăn chặn dịch Covid-19 xâm nhập cơ sở y tế. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Theo phân tích của chuyên gia này, đợt bùng phát ở Đà Nẵng không tìm ra F0. Khi phát hiện, dịch đã tấn công vào cơ quan trọng yếu ở bệnh viện. Còn tại TP.HCM, nguồn lây vẫn ngoài cộng đồng, chưa tấn công vào cơ sở y tế. Hơn thế, thời gian F0 tồn tại ngoài môi trường không quá lâu. Nhờ đó, ngành y tế đã tìm được các F1, F2.

Dự đoán về thời gian có thể kiểm soát được dịch Covid-19 tại TP.HCM, bác sĩ Trương Hữu Khanh nhận định thành phố đang bước sang ngày thứ 4 có dịch trong cộng đồng. "Thời gian kiểm soát được dịch bệnh tính từ ngày phát hiện ca dương tính cuối cùng cộng thêm 14 ngày, thậm chí 28 ngày, tùy mức độ", ông đánh giá.

Dù xác định được F0, toàn thành phố vẫn có nguy cơ lớn. Do đó, người dân tuyệt đối không thể lơ là, phải luôn trong tư thế dự phòng.

“Chúng ta phải theo dõi đường đi của người nghi ngờ đi để chặn đầu virus. Muốn chặn được virus, người bệnh phải khai báo trung thực. Trong các không gian đặc biệt như xe buýt, siêu thị, bệnh viện, ai không đeo khẩu trang thì mời họ ra ngoài”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết một số trường hợp bệnh nhân từ chối nhập viện điều trị, hủy lịch mổ… Điều này xuất phát từ yếu tố tâm lý.

Chuyên gia này khuyến cáo hiện tại, người dân không nên hoang mang mà bỏ lỡ thời gian điều trị. “Mọi việc vẫn trong tầm kiểm soát và các bệnh viện vẫn là điểm đến an toàn cho bệnh nhân. Quy định cách ly, phòng dịch Covid-19 của Bộ Y tế đang được triển khai nghiêm ngặt, nỗ lực không cho virus tấn công vào bệnh viện”, bác sĩ Nam nói thêm.

Theo bác sĩ Khanh, thời gian này, người có triệu chứng sốt, ho, khó thở, cần rà soát lại tất cả địa điểm đã đi qua, những người từng tiếp xúc để xác định bản thân thuộc F nào. Nếu cần thiết khám bệnh, người dân không nên chần chừ, hủy lịch mổ hay từ chối nhập viện. Nhân viên y tế đã được đào tạo chuyên môn và sẽ có biện pháp tiếp nhận, điều trị bệnh nhân hợp lý.

“Hiện tại, không có nơi nào đảm bảo an toàn 100%. Nếu người dân lơ là việc đeo khẩu trang, tất cả địa điểm, người tiếp xúc đều trở thành mối nguy cơ”, ông nói thêm.

Nhân viên y tế đang đối diện với nhiều áp lực

Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng yêu cầu các bệnh viện quán triệt thực hiện nghiêm quy định phòng và kiểm soát lây nhiễm Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các cơ sở khám, chữa bệnh quản lý chặt chẽ các trường hợp ra vào, bao gồm thân nhân, nhân viên vệ sinh, bảo vệ, thậm chí công nhân xây dựng...

Xem thêm tin khác:

 


Các chuyên gia đề nghị cơ sở y tế siết chặt số lượng khách ra vào, đeo khẩu trang và sát khuẩn tay. Ảnh minh họa: Phạm Ngôn.

Tại các Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Bệnh viện Quân Y 175 (Bộ Quốc phòng)..., quy định kiểm soát chặt người ra vào đang được triển khai nghiêm ngặt. Đặc biệt, các bệnh viện này quy định tạm ngừng thăm bệnh. Mỗi bệnh nhân chỉ có một người chăm sóc trong thời gian điều trị.

Ông Thượng cho biết trong thời gian thành phố có dịch, nhân viên y tế đang đối diện nhiều áp lực hơn. Bệnh viện là nơi tiếp nhận nhiều trường hợp có nguy cơ dịch tễ cao. Do đó, các hệ thống y tế đang rà soát toàn bộ bệnh nhân, nhân viên y tế và khách ra vào.

Người dân lúc này nên thực hiện khuyến cáo của ngành y tế, đặc biệt là khai báo y tế, đeo khẩu trang và không tụ tập đông người.

Các địa điểm nguy cơ đã được cơ quan dự phòng thông báo, người dân cần nghe thông tin y tế để xem bản thân có phải đối tượng nguy cơ hay không. Nếu là F1, người dân cần nhanh chóng liên hệ y tế địa phương để được cách ly tập trung. Nếu là F2, chủ động thông báo và theo dõi sức khỏe, kết quả xét nghiệm của F1. Hơn 800 mẫu F1 hiện tại đã âm tính nhưng nguy cơ vẫn thường trực.

“Chúng ta đã có lỗ hổng trong cách ly y tế. Sai sót này cần nhanh chóng được chỉnh sửa. Sai sót không nằm ở quy trình và phương pháp cách ly mà vấn đề ở người thực hiện. Chúng ta cần điều chỉnh thái độ chấp hành của người cách ly chứ không phải xóa bỏ quy trình”, bác sĩ Khanh nói thêm về các quy định cách ly y tế hiện nay.

Nguồn: vietnamdaily.net.vn/tin-247/khi-nao-tp-hcm-kiem-soat-duoc-dich-covid-19-tinh-hinh-khong-nghiem-trong-nhu-da-nang-105548.html

Xem thêm các bài viết khác:

 

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn